Cuộc sống cá nhân Lê_Thái_Tông

Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mời người cháu ruột là Lê Khôi vào triều, Lê Khôi khuyên nên lập người con thứ 2, tức vua Lê Thái Tông mà phế bỏ người anh là Lê Tư Tề. Đến năm 1438, vua Thái Tông phế truất anh mình làm dân thường.[59]

Theo lệ vua Lê Thái Tổ, trong cung không lập hoàng hậu, khi con của bà phi nào lên làm vua thì vị vua đó mới dâng tôn hiệu cho mẹ. Việc kén chọn vợ cho vua, thường lấy con em các dòng họ công thần lớn và con nhà tử tế.[60]

Người vợ thứ nhất của vua Lê Thái Tông là con gái Đại Tư đồ Lê Sát, Lê Thị Ngọc Dao. Ngọc Dao được phong làm Nguyên phi vào năm 1434. Năm 1437, Lê Sát bị xử tội, bà bị phế làm dân thường.[61] Người vợ thứ hai là con gái Lê Ngân, tên Lê Lệ, lúc đầu được phong làm Chiêu nghi. Khi Lê Sát bị bãi chức, Đại Đô đốc Lê Ngân lên thay, Lê Lệ được phong làm Huệ phi, đến năm 1437, Lê Ngân bị xử tội, bà bị phế làm Tu dung.[62] Người vợ thứ là bà Nguyễn Thị Anh, tính hiền dịu sáng suốt, được phong làm Thần phi, sinh ra vua Lê Nhân Tông, vua Nhân Tông lên ngôi lúc mới 3 tuổi, bà nhiếp chính trong 10 năm, thiên hạ thịnh trị.[63] Bà vợ thứ 4 là Chiêu nghi Dương Thị Bí, ban đầu phong làm Phi (妃), sau tính kiêu ngạo bị giáng làm Chiêu nghi. Về sau Dương thị tiếp tục bị giáng làm thứ nhân, giam vào lãnh cung.

Tháng 11 âm lịch năm 1441, Lê Thái Tông ép Thái phi Phạm Thị Nghiêu, vợ thứ ba của Lê Thái Tổ, phải tự sát. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư kể bà Nghiêu từng có ý phế Thái Tông, bị nhà vua cho ra Lam Kinh hầu Vĩnh Lăng (lăng Lê Thái Tổ). Sau đó bà Nghiêu vẫn bất bình, nên Thái Tông nghe lời các triều thần, ép chết.[64]